About Me

My photo
Born in Vietnam to a Vietnamese mother and an American father, Jenny Do was raised in Saigon in extreme poverty and malnutrition before she finally arrived in the U.S. at age 18. Like a dry sponge dropped in a bucket of water, she flourished immediately within her new culture. A successful attorney, recognized artist and beloved community leader, Jenny is a multifaceted woman and relentless advocate of the underprivileged, who always puts her multiple talents to the service of the community. Upon being diagnosed with stage IV breast cancer in 2015, she was given 30-90 days to live. Determined to change the outcome, she declined the convention cancer treatments and sought for the alternatives. She has been in remission ever since. Awards and grants 2005: Unsolicited Belle Foundation grant 2006: Individual Grant for Anti-Human Trafficking work, CESR 2007: Woman of the Year, California Legislature of District 23 2007: Lifetime Achievement Award, City of San José 2011: Congressional Award, awarded by Zoe Lofgren 2016 California Woman of the Year - Trailblazer Award-California Legislators District 15

Tuesday, October 9, 2018

Tên thật là Đặng Thị Phương Thanh, luật sư Jenny Đỗ qua Mỹ theo diện con lai năm 1984, ở tuổi 18, và nhanh chóng trở thành một phụ nữ thành đạt.
Luật sư là việc làm. Còn về sở thích, Jenny Đỗ là một họa sĩ, một người mê làm việc thiện nguyện, và ghiền đấu tranh cho những người kém may mắn. Lý do khiến bà luôn quan tâm giúp người khác là vì hoàn cảnh sống thiếu thời rất nghiệt ngã, trong một xã hội mà những người con lai bị ruồng bỏ.
Trước khi trở thành luật sư năm 1997, việc làm đầu tiên của Jenny Đỗ là việc giúp đồng bào tỵ nạn cho Bộ Xã Hội Quận Hạt Santa Clara, rồi cho Sở Cảnh Sát thành phố San Jose. Những sinh hoạt từ thiện quanh vùng khiến bà được mệnh danh là 'con cưng' của cộng đồng người Việt ở Bắc California.
Trong suốt hơn 20 năm hành nghề luật, Jenny Đỗ tiếp tục là tình nguyện viên tích cực trong nhiều lãnh vực liên quan đến quyền lợi của những người thấp cổ bé miệng khắp nơi.
Được Jenny Đỗ giúp đỡ có thể là một người Việt tị nạn cần dich vụ pháp lý miễn phí, một nạn nhân nạn buôn người bị đưa qua Đài Loan, một người mua nhà trả góp đang gặp khó khăn với nhà băng đang có nguy cơ, hay một gia đình, hay các em học sinh nghèo ở Việt Nam, qua "Friends of Hue," tổ chức vô vụ lợi do bà quản lý.
Nhưng Jenny Đỗ không chỉ được những người cần sự giúp đỡ biết đến. Bà thường xuyên xuất hiện trên báo chí, đài phát thanh, truyền hình tiếng Việt, và được đồng hương quý mến vì quan điểm ôn hòa, và nhất là luôn luôn đứng về phía quyền lợi của người thiếu may mắn.
Người Việt ở Ba Lan trong mắt người bản xứ
'Tôi bị năm gã bạo hành trong trại Ả Rập Saudi'
Bi hài nghề làm móng tay ở Anh
Năm 2007, ở tuổi 41, giữa lúc cuộc đời tưởng không thể đẹp hơn, Luật sư Jenny được bác sĩ cho biết bà bị ung thư vú giai đoạn thứ hai.
Lo lắng một thời gian, nhưng với bản chất năng động và đầy nghị lực, Jenny Đỗ lúc ấy, (có lẽ cũng như bao bệnh nhân khác), "hoàn toàn trao sinh mệnh cho bác sĩ," và một mặt làm những gì họ đề nghị: giải phẫu, hoá trị, rồi xạ trị, mặt khác tiếp tục theo đuổi nghề luật, vẽ tranh, leo núi, cũng như biết bao những công việc thiện nguyện và xã hội khác. Sau những đợt hóa và xạ trị, ung thư có dấu hiệu lui, Luật sư Jenny Đỗ được bác sĩ cho uống thuốc Tamoxifen trong năm năm, và tiếp tục cuộc sống của mình như trước giờ vẫn sống.
Năm 2015, Luật sư Jenny Đỗ được bác sĩ cho biết ung thư của bà đã đến giai đoạn 4, và khuyên nên chuẩn bị hậu sự, vì chỉ còn sống được từ 30 đến 90 ngày.
Bản quyền hình ảnhJENNY ĐỖ
Image caption
Cô bé Jenny Đỗ và thân mẫu (cùng đứng bên phải)
Bản quyền hình ảnhJENNY ĐỖ
Image caption
Jenny Đỗ với Oprah Winfrey 1988 khi được Oprah mời lên show
Kể lại giây phút nhận cái tin sét đánh này, bà Jenny Đỗ nói với BBC Tiếng Việt:
"Lúc đó đang đứng trước cửa một tiệm ăn, phôn của Jenny rớt xuống chân sau khi nói chuyện với bác sĩ. Jenny cúi xuống nhặt điện thoại mà không sao đứng lên được. Khi trở vào bàn ăn trong tiệm, nước mắt Jenny đã chan hòa trên mặt và người nhà Jenny ít nhiều đã đoán ra tin dữ vừa nhận được qua cú điện thoại."
"Và ý nghĩ đầu tiên của Jenny khi được báo tin là 'chuyện này không thể nào là sự thật' và điều kế tiếp là 'Ai sẽ lo cho mẹ lúc tuổi già và các con của Hội Friends of Huế sẽ không có ai nuôi." Bà nói tiếp.Không chấp nhận cái chết phần vì chưa sẵn sàng từ giã cõi đời, và phần vì còn có quá nhiều việc phải lo, Luật sư Jenny Đỗ cho biết bà dồn hết tâm huyết vào việc tìm hiểu căn bệnh ung thư quái ác này nói chung, và đặc tính ung thư của mình để tìm ra cách chữa trị. "Kết quả là kể từ năm 2016, tình trạng của Jenny đã được tuyên bố là Không có Bằng chứng Bị bệnh (NED - No Evidence of Disease). Thỉnh thoảng Jenny cố gắng ngừng sử dụng loại thuốc đang uống (Ibrance) để kiểm tra lại mọi thứ. Niềm tin của Jenny là phải học cách tự điều chỉnh sự phát triển ung thư của mình mà không cần sử dụng những loại thuốc này. Sử dụng kéo dài bất kỳ loại nào cuối cùng sẽ giết mình. Do đó, Jenny đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu các loại thuốc thay thế." Bà khoe.
Được hỏi về dự tính tương lai, Luật sư Jenny Đỗ không do dự:
"Tôi muốn cống hiến phần đời còn lại của mình để giúp đỡ những bệnh nhân ung thư khác. Tôi đã làm việc với ít nhất hơn 50 bệnh nhân ung thư cho đến nay. Đó là một quá trình đơn độc và nhiều khi cũng đau buồn. Bệnh nhân đến với tôi từ mọi tầng lớp xã hội và từ khắp nơi trên thế giới. Chúng tôi hỗ trợ nhau để phấn đấu với bệnh, và kéo dài cuộc sống. Tôi có thể giúp đỡ mọi người về mặt tinh thần nhưng cuộc chiến phải đến từ bên trong. Tôi không có một công thức nhiệm mầu vì mỗi người chúng ta rất khác nhau. Những gì tôi có thể truyền đạt là sức mạnh của tâm trí và sức mạnh của đức tin. Tôi có thể chia sẻ kinh nghiệm của riêng bản thân mình trong việc điều hướng hệ thống chăm sóc sức khỏe và quy trình điều trị của chính bệnh nhân."
Jenny Đỗ: 'Thắng ung thư làm tôi rõ hơn sứ mệnh của đời'
Và trả lời, một cách tỉ mỉ, những câu hỏi về kinh nghiệm đối phó với ung thư trong cuộc phỏng vấn với BBC dưới đây là một cách để luật sư Jenny làm tròn sứ mệnh giúp bệnh nhân ung thư của mình.
BBC: Kinh nghiệm chiến đấu ung thư của bà rất hi hữu. Bà bị ung thư vú giai đoạn hai năm 2006, và sau một thời gian chữa trị, tưởng là bệnh đã lui, nhưng đến năm 2015 lại bị bác sĩ cho biết là ung thư đã đến giai đoạn bốn, y học bó tay, chỉ còn sống được từ một đến ba tháng nữa, vậy bài học quan trọng nhất bà rút tỉa được là gì?
LS Jenny Đỗ: Vâng, vạch ra những sai lầm của tôi là điều hết sức hệ trọng, để giúp cho những người khác không lặp lại những sai lầm đó.
Khi bạn bị ung thư, là cơ thể của bạn cảnh báo bạn rằng lối sống bạn có trước đây, lối sống đã tạo ra ung thư đó, cần phải thay đổi. Tôi đã không làm như thế. Tôi hoàn thành tin tưởng vào bác sĩ và tiếp tục cuộc sống cũ.
Năm 2007, sau khi chữa hóa trị trong thời gian rất ngắn, rồi quay qua xạ trị, ung thư tạm lui, tôi được cho uống thuốc Tamozifen trong vòng 5 năm. Trong vòng năm năm đó, tôi sinh hoạt bình thường và tiếp tục sống cũ. Đó là một sai lầm rất lớn.
Năm 2015, khi được thông báo rằng tôi chỉ có 30-90 ngày để sống, tôi hỏi bác sĩ là có thể làm cho tôi. Họ lại nói có thể cho tôi cùng hoá trị mà tôi đã từ chối vào năm 2007, và dù vậy may ra cũng chỉ kéo dài đời sống được sáu tháng. Tôi quyết định khước từ cách chữa của họ, tự nghiên cứu ung thư của mình và làm khác đi. Tôi tin là nếu cứ tiếp tục cách sống cũ, có lẽ tôi hôm nay không có dịp trả lời phỏng vấn này.
Bản quyền hình ảnhJENNY ĐỖ
Image caption
Jenny Đỗ vào nhậm chức San Jose Art Commisioner, khoảng 2005 trước khi bị ung thư
Bản quyền hình ảnhJENNY ĐỖ
Image caption
Jenny Đỗ trong cuộc tranh đấu của Thượng nghị sĩ Janet Nguyễn cho Luật Bánh Chưng tại Hạ Viện California
BBC: Có phải bà đang khuyên là bệnh nhân ung thư không nên hoàn toàn nghe theo bác sĩ trong việc trị bệnh không? Tại sao?
LS Jenny Đỗ: Dĩ nhiên là bệnh nhân nên nghe bác sĩ, nhưng cũng cần phải có sự chủ động riêng. Nhờ đọc nhiều các thông tin khắp nơi và tham khảo với nhiều người, Jenny đã quyết tâm không sợ ung thư, mà phải làm cho ung thư nó sợ mình. Và vì đã trải qua bao cuộc thưa kiện trong quá khứ liên quan đến hệ thống y tế của Mỹ, Jenny đã không đặt hết trách nhiệm chữa trị vào các bác sĩ. Jenny hiểu rõ là trách nhiệm phải ở chính mình, và tuyệt đối không để những phức tạp trong hệ thống y tế của Mỹ làm Jenny phải căng thẳng hoang mang.
Khi biết mình bị ung thư, bất cứ ai trong chúng ta cũng sẽ bàng hoàng, xuống tinh thần, và có thể bị mất tự chủ. Từ đó chúng ta nhượng quyền làm chủ cơ thể mình cho các bác sĩ, các chuyên gia, và rồi bị lệ thuộc vào các phương pháp trị liệu phức tạp mà cơ thể chúng ta không quen thuộc. Các phương pháp đó không phải là không có hiệu quả, nhưng các hiệu quả đó thường chỉ tạm thời, và có nhiều di hại về sau. Mình nên cân nhắc và tính toán kỹ và lập ra chiến lược trước khi đi vào việc chữa trị căn bệnh này.
Kinh nghiệm của Jenny cho thấy rằng mình chỉ nên dùng các biện pháp khoa học này để tạm thời ngưng sự lan tràn của ung thư, rồi sau đó tìm những phương pháp lành mạnh khác để duy trì cơ thể không bị tấn công bởi ung thư tái lại.
BBC: Luật sư có thể giải thích rõ hơn về việc không hoàn toàn nghe bác sĩ không? Đây là một lãnh vực hết sức chuyên môn. Làm sao người bệnh biết phải nghe bác sĩ về phương diện gì, và không nghe bác sĩ về phương diện gì?
LS Jenny Đỗ: Câu hỏi này cần một giải thích dài dòng mới có thể trả lời thấu đáo: Năm 2007, Jenny đã trải qua hoá trị và xạ trị. Trong lúc đang nhận hoá trị, Jenny đọc quá trình nghiên cứu của hoá trị ung thư và được biết về một kết qủa nghiên cứu từ Anh Quốc cho biết là những trường hợp ung thư vú như Jenny có dương tính estrogen thì không hợp với các độc tố thường dùng trong hoá trị đó. Jenny đem thông tin này nói với bác sĩ chuyên khoa ung thư tại Kaiser. Ông ta hỏi lại Jenny: "Vậy cô có muốn tôi ngưng hoá trị cho cô không?" Jenny hỏi lại ông nghĩ sao về nghiên cứu này của bên Anh, thì ông bác sĩ nói không thể cho ý kiến được và cho Jenny quyền quyết định. Jenny lúc đó quá sức bàng hoàng vì nghĩ là người bác sĩ nên giúp Jenny quyết định cái gì tốt nhất cho mình. Cuối cùng ông bác sĩ nói thêm "những khám phá này còn qúa mới, muốn gì phải thông qua từ trên rồi đưa xuống chúng tôi mới áp dụng được. Vì vậy, tôi không thể quyết định được." Thế là Jenny ngưng hoá trị sau sáu tuần lễ bị thê thảm với nó. Đến năm 2015, khi ung thư đã đến giai đoạn bốn, đã lan ra xương, một người bác sĩ ung thư khác nói là Jenny cần hoá trị. Jenny hỏi lại là công thức của các chất độc này gồm có những gì thì được biết là tương tự như của năm 2007! Đó là lúc Jenny đòi chuyển qua bác sĩ mới và xin ý kiến thứ hai từ viện UCSF.
Một bước quan trọng trong quá trình chữa trị của Jenny là câu hỏi dương tính của estrogen là bao nhiêu phần trăm khi Jenny đến gặp bác sĩ tại UCSF. Bác sĩ ở UCSF cần biết rõ tỷ lệ này, và may cho Jenny là người bác sĩ bạn Mai Phương đã giúp Jenny tìm hiểu nó trước khi gặp bác sĩ tại UCSF. Khi biết là dương tính của estrogen Jenny là 100% thì bà nói ngay :"cô không chấp nhận chữa hoá trị là đúng rồi. Hormone therapy là đường đi đúng." Cũng may cho Jenny là bác sĩ mới tại Kaiser lại quen với bác sĩ ở UCSF và từ đó họ đan kết để đưa Jenny chữa theo hormone therapy. Một phương cách đơn giản hơn và không quá hại sức. Từ đó Jenny sử dụng thuốc Ibrance mỗi tháng để cách ly estrogen không liên kết được với tế bào ung thư. Tuy nhiên, điều không ai hiểu được là tại sao ba năm rồi mà nó vẫn còn hiệu nghiệm. Dựa trên sự tiên đoán của nhà bào chế thì thuốc này mất hiệu nghiệm khoảng sau 5 tháng hoặc tối đa là 9 tháng sau khi dùng. Bác sĩ của Jenny cũng không hiểu và bà hay hỏi Jenny "Cô có chữa gì khác bên ngoài không?"
Câu trả lời của Jenny là sở dĩ được như vậy là nhờ những phương pháp lành mạnh khác để duy trì cơ thể mà lúc nãy Jenny đã nói đến.
Dĩ nhiên những chi tiết Jenny vừa kể liên quan đến bệnh ung thư của Jenny và cơ thể của Jenny. Nhưng bài học chung là: Bác sĩ không biết rõ cơ thể của mình bằng mình, cũng không hẳn biết hết về mọi nghiên cứu mới nhất, hay có biết cũng không có quyền quyết định mọi cách chữa tốt nhất cho mình vì giới hạn của bảo hiểm y tế hay thủ tục của nhà thương, vì thế bệnh nhân cần chủ động nghiên cứu thêm và đi xin ý kiến thứ hai. Không hoàn toàn nghe theo bác sĩ là vậy.
Bản quyền hình ảnhJENNY ĐỖ
Image caption
Jenny Đỗ khi được tuyên dương lần thứ 2 là Trailblazer Award Recipient - California Woman of The Year 2016 (Khu 15). Bên trái là Thượng Nghị Sĩ California Jim Beall
Bản quyền hình ảnhALAMY
Image caption
Tranh 'Journey of the Half Questions' của Jenny Đỗ, 2008. Sưu tập của Doan Trang và Cuong Tran
BBC: Vâng, trong trường hợp của luật sư, dù bác sĩ đã bó tay, nhưng bà đã đẩy lui được ung thư, và đạt được tình trạng NED - No Evidence of Disease. Vậy thì bước ngoặt trong chương trình chữa bệnh của bà theo những phương pháplành mạnh cụ thể này là gì?
LS Jenny Đỗ: Về mặt tìm những phương pháp lành mạnh khác để duy trì cơ thể, nhờ Jenny đọc nhiều kinh nghiệm của những người khác đi trước, và khi Jenny hiểu được là thức ăn thức uống đóng cùng với phương cách sống đóng một vai trò rất lớn đến sự tồn tại của mình, Jenny đã quyết tâm thay đổi. Cụ thể và khái quát là: dùng thức ăn và thức uống để trị bịnh, và áp dụng khoa học nhịn ăn. Qua các thông tin tìm được trên mạng, Jenny đã đi đến quyết định không ăn đường và thịt đỏ. Rồi sau hai năm, đi đến quyết định ăn chay trường. Không cần biết ung thư loại nào, một điều mà khoa học đã khẳng định là ung thư muốn phát triển phải cần nhiên liệu. Mỗi loại ung thư lại cần nhiên liệu khác nhau, nhưng nhiên liệu căn bản mà hầu như mọi tế bào ung thư đều cần để lan tràn nảy nở chính là đường và chất đạm. Hết chuyện đường lại đến chuyện chất đạm hoặc đúng hơn là amino acids từ chất đạm (amino acids from proteins). Khi biết được là đa số tế bào ung thư rất cần amino acids (khoảng 20%-40%) để sinh sôi nảy nở, Jenny đã cẩn thận hơn khi ăn thịt và hải sản trong hai năm đầu. Bỏ thịt đỏ và giảm đi số lượng dùng các loại thịt khác. Và gần đây Jenny đã bỏ luôn thịt và hải sản. Giờ đây đi vào chợ, hầu như Jenny mê mải ở bên hàng rau, trái cây và các loại đậu. Khu vực giữa và bên hàng thịt cá đã không còn là nơi Jenny quan tâm tới.
Bản quyền hình ảnhJENNY ĐỖ
Image caption
Jenny Đỗ trong lần về Việt Nam làm việc với Amerasians năm 1990
BBC: Có vẻ trong những phương pháplành mạnh bà vừa nêu, nhịn ăn là phương pháp khó nhất. Cảm giác của cơ thể bà khi nhịn ăn như thế nào? Có mâu thuẫn gì giữa việc nhịn ăn với việc cần phải bồi dưỡng cơ thể để có sức khỏe chống lại bệnh ung thư không?
Bản quyền hình ảnhJENNY ĐỖ
Image caption
Jenny Đỗ cùng các em trong hội Friends of Hue tại Việt Nam
LS Jenny Đỗ: Jenny khẳng định là không mâu thuẫn. Khi nhịn ăn 16 tiếng từ 8 g tối hôm nay đến 12 g trưa hôm sau, Jenny thấy người mình nhẹ hơn. Ăn chỉ vừa để sống nhưng không qúa nhiều để phục vụ ung thư. Jenny vẫn cân mỗi ngày và vẫn giữ cho cơ thể không bị xuống cân. Khi mình nhịn ăn cơ thể có dịp làm sạch những ứ đọng. Thêm vào đó các tế bào ung thư sẽ run rẩy vì thiếu đường và dinh dưỡng. Chúng mở toang cửa ra để mình đưa chất độc vào trong chúng, đồng thời bồi bổ cho các tế bào tốt. Đây là phương cách ăn uống đúng mực mà Jenny đã viết trong bài "Đường Khuynh Diệp Trong Ta!" mà các bệnh nhân ung thư nên tham khảo.
"Nếu nhịn như vậy thì làm sao có đủ sức để mà đối phó với ung thư?" Mọi người thường hỏi Jenny. Thưa rằng, dựa trên những nghiên cứu của các chuyên gia, cơ thể ta không cần phải ăn ba bữa. Ăn kiểu này là do con người tạo ra thói quen. Càng ăn thường xuyên ta lại càng bắt cơ thể phải làm việc nhiều và không tập trung chữa trị những hư hại trong người. Thêm vào đó, tâm ta cũng không tịnh. Khi ngưng bộ tiêu hoá trong 16 tiếng, tâm hồn ta thảnh thản hơn và cơ thể nhẹ đi. Đó là lý do tại sao các đấng tu hành ngày xưa phải tuyệt thực để đạt được giác ngộ. Chúa, Phật và các cha, các tăng đều trải qua con đường này.
Sau khi nhịn ăn 16 tiếng đồng hồ, ta sẽ rất trân trọng bữa ăn và cân nhắc về thức ăn. Từ ngày đi con đường 16-8, Jenny đã rất quý các bữa ăn và không muốn trộn thức ăn "xấu" vào để làm bẩn cơ thể của mình. Ta như tờ giấy trắng, không nên để lem các vết nhơ mà phải nắn nót từng chữ lên trang giấy cho thật đẹp.
BBC: việc giúp đỡ bệnh nhân ung thư của bà cụ thể giúp như thế nào? Theo bà thì bệnh nhân ung thư và gia đình họ cần giúp đỡ về phương diện gì nhất?
LS Jenny Đỗ: Vì mỗi bệnh nhân có tình trạng khác nhau nên Jenny phải nói chuyện rất lâu với từng người mới hiểu được họ cần hướng dẫn gì. Không có một công thức đơn thuần nào mà Jenny có thể chia sẻ dễ dàng. Song song với việc trả lời phỏng vấn này, Jenny có viết một bài viết nói về những kinh nghiệm chữa bệnh mà bản thân mình đã trải qua.
Qua quá trình giúp bệnh nhân trong 2 năm vừa rồi, Jenny thấy điều quan trọng nhất cho các người bệnh là về tinh thần, và phương hướng đối phó chủ động. Đó là điều Jenny có thể giúp mọi người một cách hữu hiệu nhất. Jenny tiếp tục dùng xã hội mạng social media để nâng đỡ tinh thần mọi người và cố giúp mọi người tranh đấu kéo dài thêm cuộc sống để chờ đợi sự phổ thông của immunotherapy, tức phương pháp miễn dịch trị liệu, là một cách điều trị cho phép cải thiện ổn định hệ thống miễn dịch của chính bệnh nhân để chữa các bệnh như bệnh như ung thư.
Bệnh nhân cần thêm chi tiết có thể liên lạc với Jenny qua trang Facebook "Đường Khuynh Diệp" hoặc qua email: jennydolaw@gmail.com.
Câu chuyện của Luật sư Jenny Đỗ nằm trong loạt bài Global Vietnamese - Người Việt Nam Toàn Cầu của BBC Tiếng Việt.
Độc giả muốn chia xẻ những nét đặc thù, hay những nhân vật nổi trội của cộng đồng mình, xin liên lạc với BBC, email: vietnamese@bbc.co.uk hay với tác giả, email: tina.thanhha.vu@bbc.co.uk

Đói -- Jenny Đỗ


Chữ viết tôi bắt đầu bị lệch hàng. Tôi không sao tường thuật một cách rõ ràng về cuộc hành quân của quân đội Đức Quốc Xã qua vùng băng tuyết của nước Nga trong Thế Chiến Thứ II. Khi phải viết về cơn đói khát và cái lạnh nghiệt ngã mà quân đội họ phải đương đầu, mắt tôi dường như mờ đi. Tim tôi đập chậm lại. Người tôi đổ xuống băng ghế trong lớp. Loáng thoáng có tiếng bạn bè nhốn nháo quanh tôi.
Tiếng thằn lằn trên trần nhà phòng bệnh làm tôi tỉnh lại. Về sau tôi biết người ta đã đưa tôi vào bệnh viện Nguyễn Văn Học gần trường. Bác sĩ chẩn bệnh bảo tim tôi “đập loạn nhịp” và cho tôi được nhập viên. Tám ngày nằm trong nhà thương là tám ngày hạnh phúc nhất của tuổi thơ tôi. Tôi được ăn!
Sau ‘giải phóng’, gia đình tôi bỗng như biến thành vô hình, không được công nhận là dân cư Sài gòn. Lý do vì chúng tôi đi vượt biên thất bại sau ngày 30 tháng 4, rồi sau đó trốn lên Túc Trưng làm ruộng để khỏi bị “đấu tố” và “chôn sống”. Mẹ tôi bảo vậy. Tôi đã được nghe rất nhiều về chuyện mẹ tôi phải chứng kiến cảnh đấu tố và người trong họ của mẹ tôi bị chôn sống sau cuộc Cách Mạng Tháng 8 Năm 1945. “Mình không thể ở lại đây được, nhất là con bé Thanh”. Mẹ tôi nói đi nói lại câu này với những người trong gia đình. Bà khẳng định là bằng mọi giá nhà tôi phải rời thành phố Sài gòn. Vì tôi! Lúc ấy, tôi không thể hiểu được nguyên do lạ thường ấy. Nhưng tôi cũng chẳng hỏi, chỉ làm theo những gì người lớn sai bảo trong những ngày căng thẳng đó.
Vì không có mặt tại Sài gòn trong những ngày đầu của việc kiểm tra các “hộ dân”, gia đình tôi không được cấp “hộ khẩu” – giấy chứng nhận dân cư của Thành phố. Đây là nguồn gốc của bao cuộc thăng trầm. Chín năm đầy đọa. Chín năm dạy cho tôi những bài học làm người. Chín năm thấm nhận được những đói khát của cơ thể, những đói khát của trí tuệ đến tột đỉnh. Chín năm thèm thuồng màu sắc đến điên dại. 
Không có hộ khẩu là không có quyền mua gạo và thực phẩm theo giá nhà nước. Cuộc sống bên lề này đã biến chúng tôi thành những nạn nhân của thị trường chợ đen. Thay vì một ký gạo chỉ có 2 đồng “Cụ Hồ”, mẹ tôi phải trả 20 đồng để mua một ký gạo mốc. Cái tủ gỗ lim của mẹ tôi, bàn ghế trong nhà, tranh trên tường, các chén kiểu Thượng hải của Ngoại tôi để lại, bộ đồ “com lê” của một người đàn ông mà tôi chưa từng gặp và những vật dụng có giá trị khác dần dần đưa nhau đi đánh đổi lấy gạo, khoai mì, khoai lang, hoặc rau muống. Gạo nấu cơm phải trộn lẫn với bắp, rồi dần dần trộn thêm khoai lang. Và sau cùng khoai lang cũng bị thay thế bằng sữa bột Liên-Xô. Lý do duy nhất mà tôi được uống sữa này là vì không gia đình nào muốn uống sữa bột. Ai cũng sợ sữa, mà sữa bột tanh hăng của Liên Xô lại càng sợ hơn. Mỉa mai thay, những giọt sữa bất đắc dĩ này lại là nhiên liệu giúp tôi cầm cự một thời gian trước khi bị ngã gục trong lớp giờ thi Sử.
Sáng dậy mẹ tôi nấu một nồi nước nóng rồi khuấy bột sữa vào để làm sáu bát sữa. Tôi được uống một bát đầu ngày trước khi đi học và một bát vào buổi tối. Thế thôi. Ngồi trong lớp, bạn bè tôi thường cười ầm lên khi nghe tiếng cồn cào ọt ẹt của bao tử tôi.
Cái đáng sợ của ngày ấy là phải nhìn người khác ăn uống quanh mình. Cơm, xôi, bánh mì của những người khác là những đe dọa lớn nhất đối với tôi. Nó làm tôi nhỏ lại, hèn hạ, thấp kém. Mệt và thèm là hai tình trạng đáng buồn của cơ thể. Nó hay xuất hiện vào buổi trưa hoặc tối. Giờ tan học dưới ánh nắng cháy da là lúc tôi phải trở về với thực tế phũ phàng. Tiếng chén đũa khua vào nhau, tiếng người gọi người về ăn, mùi thức ăn phảng phất đâu đó trong không khí nhắc cho tôi biết tôi vẫn còn sống và còn đầy cảm giác. Nhưng tôi phải trở thành câm và điếc – phải tranh đấu để cơ thể không còn cảm nhận được những cám dỗ của thế giới xung quanh. Tôi không thể đầu hàng trước sức mạnh của cái Đói. Dần rồi tôi tìm đủ mọi phương tiện để tránh những giờ phút đầy cám dỗ và nhục nhã đó.
Tan học về là tôi đến thẳng cổng chùa, nơi mẹ tôi để một tủ bán thuốc lá rất nhỏ ngay trước cổng. Tôi giành ngồi đó để bán thuốc cho mẹ nhưng thực chất là để đọc truyện tìm lối thoát. Chỉ có đọc truyện mới giúp tôi có đủ sức mạnh đối phó với cơn đói. Càng đói tôi đọc càng nhiều, và bỏ quên các bài toán lý hóa, các lý thuyết chính trị vô nghĩa của nhà trường. Khi hòa mình vào hàng chữ ngả nghiêng nhảy múa trên giấy là khi tôi quên đi cái nôn nao dày vò của cơ thể.
Ngày ấy, “sách truyện” mà tôi tìm được là những tờ giấy tái dụng sần sùi, ố bẩn được khâu vào với nhau thành những cuốn vở dày. Người ta chép truyện bằng tay vào những cuốn vở đó và chuyền tay nhau để đọc.  Mặc dù mọi người nâng niu những “cuốn sách” đó, các trang giấy dần dà cũng bị nát ra từng mảnh. Vào cái thời “cải cách giáo dục” này, các sách nước ngoài được dịch ra tiếng Việt và sách của “chế độ cũ” đều bị cấm và bị đốt. Những bản chép tay trên giấy ố là những bè phao vô giá đã cứu vớt tôi, đã cho tôi nhìn thấy những bầu trời của chị em trong gia đình họ Bronte, chia sẻ nỗi bất hạnh của nàng Tess d’Urbervilles. “Cuốn sách” mà tôi đọc đi đọc lại là tác phẩm “Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà” của Victor Hugo. Tôi cảm thấy gần gũi với cô nàng gypsy trong truyện và mong được lang thang như cô, tuy rằng không hiểu được tại sao đời lại hắt hủi cô. Có những đêm tôi để nước mắt tuôn rơi xuống gối để thấy mình là Cosette trong “Les Miserables”. Trong những đêm sống ở chùa, nghe nước mắt rơi chầm chậm trên má, tôi mong đợi mãi bàn tay của Jean Valjean đến cứu tôi, nhưng Jean Valjean của tôi không hề xuất hiện.
Cơn ngất xỉu trong lớp lần ấy đã vực tôi dậy và làm tôi sống lại. Giờ cơm đầu tiên trong Khoa Nhi của bệnh viện, tôi kêu thốt lên thành tiếng khi thấy mâm đồ ăn đặt xuống giường ngay trước mặt tôi. Nào là cơm trắng, nào là đậu hũ kho vàng quyến rũ và rau luộc xanh mướt đầy ắp trước mắt tôi. “Cháu có được ăn hết chỗ này không ạ?” Tôi ngớ ngẩn hỏi người y tá mặc áo trắng khi cô nhanh chân đẩy xe cơm ra khỏi phòng tôi. Xấu hổ lắm nhưng tôi phải thú thật là tôi đã ăn như chưa bao giờ được ăn. Sặc lên được. Vừa nghẹn vừa hả hê.
Sau lần đầu tiên được nhận lại mùi cơm trắng, mùi đồ ăn, tôi mong đợi từng giờ từng phút để được đến bữa ăn kế tiếp. Điều lạ lùng hơn hết là cứ trước giờ ăn thì tôi lại được một bác sĩ đứng tuổi tên Phú có bộ râu cằm lởm chởm đến khám bệnh cho tôi. Phòng chúng tôi có sáu trẻ, sáu giường. Tôi lúc ấy 14 tuổi, là đứa lớn nhất trong đám trẻ. Đứa bé nhất chỉ mới lên bốn tuổi, những đứa còn lại hầu hết khoảng sáu bảy tuổi. Bác sĩ đến phòng này chỉ để khám bệnh cho tôi. Lần nào bác sĩ cũng cởi áo tôi ra để đặt ống nghe lên tim tôi, rồi sau đó là ông nắn ngực tôi từ trái sang phải rồi từ phải sang trái. Ông cứ làm vậy liên tục. Có lần ông làm tôi đau lắm vì ông nắn hơi mạnh. Tuy nhiên, tôi không hề than phiền vì tôi biết rằng sau giờ khám bệnh tôi sẽ được ăn cơm.
Khi mẹ tôi đến thăm và bảo tôi chuẩn bị xuất viện, tôi cảm thấy thất vọng và buồn một cách vô lý. Tôi mỉm cười khi nhìn thấy giấy xuất viện phê là tôi bị “thiếu dinh dưỡng” chứ không phải bị đau tim.
Vì chuyện tôi bị ngất xỉu, cô Bắc, một người bạn quen giàu có của mẹ tôi nhắn tin bảo tôi lên thăm nhà cô ở đường Trương Minh Giảng. Mẹ tôi bảo tôi nghỉ học một ngày để làm chuyện đó. Ngày trước “giải phóng”, gia đình tôi còn khá giả, mẹ tôi thường mặc áo dài chấm chân cùng cô Bắc đi “dạo phố” mua hàng. Từ ngày chúng tôi trở thành người vô sản, mẹ tôi không còn đi lại với cô Bắc và những người quen giàu có khác. Sau nhiều năm trôi qua, tôi được trở lại nhà cô. Cô khen tôi lớn nhanh và bắt đầu có “nét phụ nữ”. Tôi kể cho cô nghe những cơn đói dữ dội của tôi. Cô nghe nhiều hơn là nói, rồi sau đó đưa cho tôi một cái bị khá nặng. “Gạo Nàng Hương mới đây con, ngon lắm. Cho cô biếu mẹ con.” Tôi cám ơn cô rối rít, thầm nhủ “gạo Nàng Hương chắc chắn phải thơm lắm” mặc dù chẳng biết gạo Nàng Hương là gạo gì! Tôi thường mơ thấy những cơn mưa rào của Sài gòn, những hạt mưa đang rơi ào ạt bỗng chợt biến thành gạo. Phải chi tôi được đứng dưới những cơn mưa gạo trắng xóa như trong giấc mơ.
Tôi hí hửng ôm bao gạo lên bến xe buýt đi về chùa. Chiều gần tối, trời như sắp chuyển mưa, gió hất giấy rác và bụi bay khắp nơi cay cả mắt, xe đông kịt. Xe quá đông khách. Tôi ngần ngại nhưng cũng phải chen chân lên xe vì không muốn phải đợi chuyến sau, sợ trời mưa. Tôi cố lấn lên. Mọi người thúc nhau, đẩy nhau, người sát người, nhễ nhại. Cơ thể tôi được mọi người xô đẩy dần dần vào bên trong. Xe chạy lắc lư làm mọi người nhào qua nhào lại ôm bám lẫn nhau để có tư thế đứng vững. Bao gạo nặng trên tay tôi từ từ sa xuống chân. Xe lại nhào thật mạnh. Tôi suýt té. Sợ mất bao gạo, tôi nhìn xuống chân để kiểm lại. Đột nhiên tôi thấy có hai bàn tay to, bóng nhớt và đen thui thủi đang nắn nót bộ ngực nhỏ của tôi. Tôi bắt đầu cảm giác được sức mạnh của sự nắn bóp này. Nó là một cảm giác rất lạ. Trong thoáng giây đó, nó làm tôi liên tưởng đến các buổi viếng thăm của Bác Sĩ Phú! Cảm giác ghê sợ chợt như một cơn lũ tràn về, mãnh liệt.
Mặt tôi nóng lên, rồi người tôi nóng lên, không thở được. Ngay lúc đó, xe ngừng lại ở một trạm lớn tại chợ Bà Chiểu. Vẫn chưa tới nhà, nhưng như người đang vừa bị bỏng vừa bị tê liệt, tôi vùng người thoát ra khỏi đôi bàn tay đen nhễ nhại kia để theo mọi người bước ra khỏi xe. Tôi nhảy xuống đất, hứng trọn cơn gió lốc đầy bụi lúc đó. Khi đã hoàn hồn, tôi liền quay lại để nhìn xem người có bàn tay đen đủi đó là ai. Tôi nhìn thẳng lên cửa xe và nhận ra được cái đầu hói của một người đàn ông nhô ra giữa đám người đứng chen nhau như cá hộp, và thấy cánh tay đen của người đàn ông đó đang xoa bụng dưới của ông ta. Tôi không sao quên được đôi mắt nhỏ và sâu của ông ta nhìn thẳng vào mặt tôi một cách thật bình thản. Tim tôi vẫn đập mạnh mặc dầu cửa xe đã đóng lại và xe đã chuyển bánh. Bụi cát bay mịt mờ. Tôi lấy tay dụi mắt và sực nhớ là tay mình đã không còn bao gạo nữa!
Á! Tôi chết lặng trong người rồi vội vã thất thanh chạy theo chiếc xe buýt. “Ê! Bác Tài ơi, đứng lại!” Tôi hét lên trong cơn gió. Vừa vẫy tay, vừa gào, vừa chạy. Mọi người xung quanh nhìn tôi chăm chăm. Đầu xe càng lúc càng nhỏ dần. Tôi thở hổn hển đứng lại giữa dòng xe đạp đổ lên từ hai bên. Tôi biết mình đã mất gạo thật rồi và không hiểu mình sẽ phải giải thích thế nào với mẹ. Tôi đã mất cơ hội làm cho mẹ tôi vui, mất cơ hội cho mẹ tôi và em tôi được ăn cơm. Sự mất mát này khủng khiếp quá. Tôi làm sao có thể kể lại câu chuyện xấu xí kia dù chính bản thân cũng không hiểu tại sao nó xấu và tại sao tôi cảm thấy xấu hổ. Tôi không có lời giải thích chuyện gì đã xảy ra. Không. Tôi không thể nói thật cho mẹ tôi biết được. Tôi phải nghĩ ra một lý do nào thật đặc biệt để làm cho mẹ tôi phải tội nghiệp cho tôi và không trách tôi bất cẩn hoặc đãng trí.
Bị bùa! Thế là tôi nghĩ ra giải pháp. Tôi sẽ nói tôi bị người ta bỏ bùa để lấy mất bao gạo. Tôi nhỏ lớn chưa biết “bùa” hình thù ra sao; nhưng hình như mọi người ai ai cũng tin vào sự màu nhiệm của nó. Truyền rằng hễ ai bị bỏ bùa thì người đó bị mê hoặc để phải làm theo sự điều khiển của người giữ bùa. Đó là lần đầu tiên tôi biết nói dối với mẹ. Mẹ tôi chắng những tin tôi mà còn cám ơn Trời đất là người có bùa đã không bắt cóc lấy tôi. Mẹ tôi cho rằng tôi hết sức may mắn nên chỉ mất gạo chứ không mất người! Thấy mẹ tôi mừng mà lòng tôi như bị xé ra trăm mảnh. Hối hận là đã lừa dối bà nhưng tôi không biết làm sao để nói lên sự thật kia. Tuy không hiểu tôi đã làm sai chuyện gì, chỉ biết rằng tôi thấy xấu hổ nhục nhã vô cùng. Tôi giữ kín câu chuyện này cho đến hơn mười năm sau mới kể lại được. Và mẹ tôi đến giờ lâu lâu vẫn nhắc đến chuyện tôi bị “bỏ bùa” mất gạo.
Jenny Đỗ (June 2013)